Ai lên Châu Mộc giữa mùa mận chín


6/1/2018 4:29:00 PM

Xecongnghe.vn -

Hình ảnh những cậu bé, cô bé Hmong má ửng hồng trong bộ trang phục truyền thống vắt vẻo trên cây giữa khu vườn mận xanh lá thật khiến khách phương xa cũng muốn xuống mà hòa cùng niềm vui mà tự tay hái những trái mận đang mùa chín rộ.

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…”

Những nỗi lòng của nhà thơ Quang Dũng trên hành trình Tây Tiến cách đây 70 năm dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn những ai ngược lên Tây Bắc. Châu Mộc khi xưa là vùng đất Mộc Châu ngày nay, cung đường qua Thung Khe, Thung Nhuối mùa tháng 5 tháng 6 không còn những bông lau trắng phau mà chỉ còn một màu xanh mướt của rừng, của núi sau mùa xuân. Thay vào đó, Mộc Châu mùa này là mùa quả, nào mận, nào đào lúc lỉu trên cành chờ tay hái. Vẫn còn đó, những cô gái Hmong váy áo xòe rực rỡ bên tán mận chín đỏ, khi ánh chiều tà dần buông cũng là lúc chiếc gùi đầy những quả chín. Cũng vì thế, mà người ta thường trốn cái nóng của đồng bằng để lên cao nguyên vừa mát lại vừa lành Mộc Châu.

Mộc Châu mùa tháng 5, tháng 6 là màu xanh mướt của những nương chè, rừng mận.

Ngược lại dòng người đang hối hả vào trung tâm thành phố chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, cái nóng tháng năm oi nồng hầm hập như được gia tăng thêm bởi lượng phương tiện khổng lồ dừng chờ tắc đường và hơi nóng phả ra từ các máy điều hòa, chúng tôi lại bỏ phố để lên rừng. Cung đường QL6 đã quá quen thuộc với những ai thường lên Tây Bắc, nối thẳng từ Xuân Mai, Lương Sơn lên Hòa Bình, vượt qua vùng cam nổi tiếng Cao Phong rồi Mường Khến để nhọc nhằn lên đèo Thung Khe. Những năm gần đây, bà con đồng bào người Mường, Thái đã mang nhiều nông sản lên đoạn dốc đá trắng nơi lưng chừng đèo để bán cho khách qua đường, dần dà trở thành điểm dừng chân quen thuộc.

Khu vực Nà Ka, Tân Lập chủ yếu là đồng bào người Hmong, họ trồng đào mận từ bao đời nay.

Khách đường xa, qua đây thường ăn bắp ngô luộc, quả trứng hay chút cơm lam chấm muối vừng trong cái sương bảng lảng lạnh giá mùa đông hay trong cơn gió mát lạnh ngày hè. Đèo Thung Khe vẫn được xem là một trong những cung đèo khó trên hành trình về miền Tây Bắc, những góc cua không quá gắt nhưng cũng không dễ dàng gì cho tài mới hay xe yếu. Bạn đồng hành, đồng thời là kẻ vận chuyển trong chuyến đi này của chúng tôi là “luồng phản lực” mang tên Volkswagen Jetta dù chỉ được trang bị động cơ khá nhỏ chỉ 1.4L nhưng lại cho sức mạnh như trên những động cơ 2.0L trở lên đạt tới 160 sức ngựa khiến người lái chẳng có chút khó khăn gì.

Cùng với mận hậu Bắc Hà (Lào Cai), mận hậu Mộc Châu (Sơn La) nổi tiếng khắp cả nước.

Mận Mộc Châu vốn nức tiếng khắp cả vùng, mùa xuân cả cao nguyên được nhuộm trắng một màu hoa để tới mùa hạ, những tinh túy của đất trời lại được chắt lọc vào thứ quả độc đáo của miền núi. Khi vừa hết Thung Nhuối, qua thung lũng Mai Châu là đã thấy những vườn quả lúc lỉu hai bên đường, mận bắt đầu chín rải rác từ đầu tháng 5 nhưng rộ nhất là vào khoảng đầu tháng 6 hàng năm (tùy thuộc thời tiết). Hình ảnh những cậu bé, cô bé Hmong má ửng hồng trong bộ trang phục truyền thống vắt vẻo trên cây giữa khu vườn xanh lá thật khiến khách phương xa cũng muốn xuống mà hòa cùng niềm vui.

Dừng chân bên cung đường hình chữ S trước khi tới trung tâm Mộc Châu.

Mộc Châu cũng là đất của chè, những đồi chè được trồng để xuất khẩu.

Càng gần tới Châu Mộc, trời càng xanh và trong hơn, dăm ba gợn mây trắng, nắng gắt nhưng những cơn gió mát lạnh sẽ xoa dịu cảm giác oi nồng. Bạn đồng hành lầm lũi đưa chúng tôi lang thang hết vườn mận ở Lóng Luông tới Hang Kia rồi rẽ vào khu nông trường với những cây mận cô độc giữa đồi chè. Mở toang cửa sổ trời, hít chút không khí trong lành thoảng cả mùi thơm dịu của búp chè xanh chưa kịp thu hái. Dăm ba chiếc ghế gấp bày ra, dưới tán mận, chúng tôi bỏ hết mọi ồn ào phố thị mà thả mình giữa đất trời xanh mượt. Những quả mận đầu mùa có chút chua, chút chát nhưng khi chấm với muối thì ngon hết sảy, nhất là cánh chị em phụ nữ, ai cầu kỳ hơn thì cắt đôi ra rồi trộn với muối thêm chút ớt nữa thì chắc khó mà cầm lòng được.

Những luống chè tạo nên các hình thù khác nhau, bạn có thể thoải mái dạo chơi.

Bao quanh các đồi chè chính là các khu rừng mận đang mùa trĩu quả.

Trên cao  nguyên thênh thang nắng gió, chiếc xe lại đưa chúng tôi đi sâu vào Tân Lập, Nà Ka với những niềm háo hức mới. Đồi chè khu vực Tân Lập đã quá quen thuộc với du khách gần xa khi tới đất Mộc Châu. Vốn là khu đồi trồng các loại chè, chủ yếu là chè Ô long để xuất khẩu, những luống chè được trồng thành các hình thù khác nhau từ trái tim đến cả hình vân tay… Con đường đất gồ ghề giữa nương chè cũng không khiến chúng tôi cảm thấy xóc nảy bởi hệ thống treo độc lập liên kết đa điểm dập tắt các xung động khá tốt. Những người dân địa phương cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của du khách mà dựng hàng quán bày bán các loại nông sản địa phương, thuê quần áo người Hmong để chụp hình, quán nước giải khát…

Những trái mận tươi ngon còn nguyên cả phấn trắng.

Nà Ka là một thung lũng khá lớn nằm trên đường vào khu Tân Lập, mùa xuân cả vùng đồi ấy trắng muốt một màu, mùa hạ lại xanh um nhưng ẩn dưới đó là thứ mận hậu ngon nức tiếng. Chẳng ngại ngần, chúng tôi cùng bạn đồng hành vào luôn giữa khu vườn, dưới những tán mận trĩu quả. Để sau đó, hòa mình vào những người dân ở đây đi hái mận. Những cành thấp thì dễ dàng đưa tay ra hái, cảm giác tự tay mình hái những quả mận còn nguyên phấn trắng, cứ thế cho thẳng vào miệng, cắn phập một cái, sau chút chua chát là vị ngọt thanh như tinh túy lắng đọng của đất trời và công lao chăm bón của người dân. Vừa hái mận, vừa trò chuyện với những người chủ vườn vui vẻ, chẳng mấy chốc mà đầy cả giỏ, cả gùi.

Mộc Châu cách Hà Nội chừng hơn 180km, bạn có thể đi xe tự lái, xe khách hay xe máy lên đó đều được.

Một điều khá thú vị là cứ vào thứ bảy cuối cùng của tháng 5, Mộc Châu lại tổ chức Lễ hội hái mận ở chính thung lũng Nà Ka. Ngày đó, những cô gái nhanh nhạy nhất bản được chọn ra để thi thố, để múa, để hát giữa tiếng khèn réo rắt của chàng trai. Đôi ba câu chuyện, dăm quả mận, phút liếc mắt nhìn nhau để rồi thương, rồi yêu mà nên vợ nên chồng cũng từ những mùa quả mận xứ Châu Mộc. Chúng tôi không đi đúng ngày hội, nhưng những hương vị và cảm xúc tự tay hái mận cùng người dân đã thích lắm rồi. Trong ánh chiều tà, hoàng hôn dần buông, bên người bạn đồng hành Jetta, chúng tôi lại ngồi lặng im dưới tán mận mà thưởng thức thứ quả độc đáo của vùng cao nguyên, thứ quả đang chuyển màu từ xanh sang tím sẫm để cho vị ngọt thanh như đất trời miền núi.

Lễ hội hái mận thường được tổ chức vào thứ 7 cuối cùng của tháng 5 ở thung lũng Nà Ka.

Nguồn: Trần Giáp - Dep.com.vn


Các bài đã đăng